Wednesday, July 24, 2013

Biểu tượng tình hữu nghị Việt – Thái

Phía bên kia bờ sông, những hàng cây mọc san sát trên địa phận thị xã Thakhek của tỉnh Khammouane nước Lào. Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, nhiều người Việt đã di cư tới đây làm ăn, kiếm sống. Đầu năm 1946, quân Pháp đánh chiếm, bắn giết ở Thakhek và những nơi khác trên đất Lào, nhiều bà con Việt kiều vượt sông sang vùng đông bắc Thái-lan lánh nạn. Cũng tại đây, các phong trào yêu nước của người Việt phát triển mạnh.

Năm 1960, hưởng ứng lời kiêu gọi của Bác Hồ, Việt kiều Thái-lan háo hức đăng ký về nước xây dựng quê hương, tham gia kháng chiến bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước. Cho tới năm 1964, có hơn 46 nghìn người đã về miền Bắc. Trước khi trở về, để ghi nhớ công ơn của đất nước và người dân Thái-lan đã che chở, giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn, hoạn nạn và để thế hệ sau hiểu được lịch sử của cha ông, bà con Việt kiều ở Nakhon Phanom cùng nhau quyên góp tiền, xây dựng công trình tháp đồng hồ lưu niệm. Con số 2503 trên thân tháp ghi lại năm dựng tháp theo Phật lịch, chính là năm 1960 dương lịch.

Hiện, trong trụ sở Hội Việt kiều tỉnh có trưng bày bức ảnh đen trắng chụp công trình này khi vừa hoàn thành. Ngắm bức ảnh trong khung kính treo trên tường trong gian phòng nơi có nhiều tranh ảnh và hiện vật ghi lại hoạt động của bà con Việt kiều tham gia những phong trào yêu nước và góp phần phát triển quan hệ giữa Việt Nam-Thái-lan, Chủ tịch Hội, ông Đào Trọng Lý cho biết, phía trên bốn mặt tháp lưu niệm đều có gắn đồng hồ lên dây cót, phía sau cột tháp là một gian nhà nhỏ, nơi lưu giữ những dấu tích, tranh ảnh của người Việt.

Vì cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, việc hồi hương phải dừng lại, hơn 36 nghìn bà con Việt kiều đã đăng ký trở về phải ở lại đất Thái, tiếp tục làm ăn, sinh sống. Với bà con ở trung tâm tỉnh Nakhon Phanom, tiếng chuông điểm giờ vang lên từ đỉnh tháp một thời đã trở nên rất đỗi thân thuộc.

Cách đây hơn mười năm, chính quyền địa phương cho tu bổ công trình này, sơn sửa bốn mặt tháp và thay đồng hồ dây cót bằng đồng hồ điện tử.

Ngày nay, trên đoạn phố dài dọc sông từ chân tháp hình thành khu chợ đêm cuối tuần. Hầu hết những người bán hàng trong chợ là con em Việt kiều. Những dãy đèn trang trí dọc bốn mặt thân tháp lên tới đỉnh từ xa có thể nhìn thấy, tạo điểm nhấn cho cả khu vực.

Vào dịp 19-5 hằng năm, nhiều bà con Việt kiều từ khắp nơi trên đất Thái, về dự lễ kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghé qua khu vực tháp chụp ảnh lưu niệm, trên đường tới Làng Hữu nghị Thái-Việt, nơi có Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua thời gian, cột tháp vẫn đứng hiên ngang bên dòng Mê Công uốn lượn, trở thành một biểu tượng đẹp về tình hữu nghị Việt –Thái.


Tháp đồng hồ nổi bật với dãy đèn trang trí về đêm.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN


No comments:

Post a Comment