Wednesday, July 24, 2013

Hành trình của những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn



Thị trường nông thôn hiện chiếm hơn 70% dân số cả nước. Việt Nam hiện có hơn 9.000 chợ và hơn 500.000 cửa hàng, lượng hàng hóa tiêu thụ qua 2 kênh phân phối này chiếm đến 80% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ.

Cho đến nay, qua bốn năm thực hiện (từ 3/2009), chương trình phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã đi qua 28 tỉnh/thành trải dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Từ 10 DN tham gia, giờ đây, mỗi phiên chợ hàng Việt đã thu hút 30 đến 50 DN cùng đồng hành, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng ở khắp mọi miền đất nước. Đến phiên thứ 100, doanh thu đạt hơn 95 tỉ đồng, với 1,5 triệu lượt người tham quan mua sắm. Tại các phiên chợ, Trung tâm BSA phối hợp với Ban quản lý chợ, các siêu thị, các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến và vận động thương nhân, công nhân, người lao động cùng người tiêu dùng (NTD) tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động tại khu vực buôn bán, kinh doanh dịch vụ được lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt và tổ chức các buổi huấn luyện kỹ năng bán hàng cho các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố. Các hoạt động an sinh xã hội bên lề phiên chợ cũng được các doanh nghiệp quan tâm tham gia nhiều hơn, cả về nội dung và qui mô.

Cũng từ các phiên chợ hàng Việt đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng NTD nông thôn, giúp họ thấy được sự đa dạng của hàng sản xuất trong nước. Bằng cách tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt nên NTD có được những thông tin để so sánh, đánh giá, nhận biết được chất lượng hàng hóa; NTD nông thôn dùng hàng Việt ngày càng nhiều, chiếm 80- 90%. Ngoài ra, thông qua các phiên chợ, doanh nghiệp đã từng bước cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, chú trọng nghiên cứu thêm các sản phẩm tập trung cho phân khúc thị trường tiêu dùng nông thôn, mở rộng thêm hệ thống phân phối thị trường trải dài và rộng.

Bên cạnh đó, nhiều DN khẳng định, thị trường nông thôn chính là nền tảng và cứu cánh cho DN trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Việc đưa hàng về nông thôn đã thực sự mở ra nhiều cơ hội cho DN, sau mỗi chuyến đi, các DN đã trưởng thành hơn nhờ học hỏi kinh nghiệm tiếp cận thị trường, chăm sóc khách hàng. Còn với người tiêu dùng họ cũng có điều kiện tiếp cận và mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất có chất lượng cao với giá bán ưu đãi. Đưa hàng Việt về nông thôn là chương trình đột phá có ý nghĩa chiến lược, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và hàng hóa VN, vừa đẩy lùi hàng kém chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa mà khu vực nông thôn là một thị trường rộng lớn. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết, tính ở mức bình quân mỗi DN tham gia một phiên chợ sẽ được từ 3 - 5 đại lý mới, còn nếu chính chung việc mở đại lý ở các chợ huyện thì con số này cao hơn nhiều. Theo đó, độ bao phủ sản phẩm của từng DN cũng tăng lên khoảng 30% so với thời điểm trước khi tổ chức phiên chợ.

Không thể phủ nhận được sự thành công của các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tuy nhiên việc tổ chức những phiên chợ vẫn còn khó khăn như thiếu kinh phí để tổ chức chương trình, tổ chức những cuộc khảo sát thị trường nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng nông thôn và chỗ đứng của hàng hóa của mình. Nhiều doanh nghiệp chưa kết nối được với nhà bán lẻ của địa phương để duy trì sự hiện diện và liên tục của hàng Việt ở nông thôn, vì thế nhiều loại hàng hóa, sau phiên chợ đã bị NTD lãng quên.

Do đó, để NTD vùng nông thôn ủng hộ dùng hàng Việt, các đơn vị tổ chức cũng như doanh nghiệp cần có những chương trình xúc tiến tốt hơn nữa để hàng hóa kết nối chặt hơn với NTD; Sau mỗi phiên chợ, các doanh nghiệp cần duy trì, kết nối với mạng lưới phân phối địa phương liên tục hơn, đưa hàng Việt để NTD nông thôn có cơ hội tiếp cận nhiều hơn. Đồng thời, việc tuyên truyền và tổ chức cần phải theo mục đích cả chiều rộng và chiều sâu, các phiên chợ cần phải đến gần hơn nữa NTD nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa; Nghiên cứu và triển khai sâu hơn nữa các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp củng cố và mở rộng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa tại địa phương để sau khi kết thúc phiên chợ, người tiêu dùng có thể mua được những mặt hàng đã được giới thiệu trong phiên chợ tại các chợ truyền thống./.

Thanh Thanh


No comments:

Post a Comment