Anh Phan Minh Hùng, quê ở Hà Nam, đi xuất khẩu lao động theo diện thực tập sinh tại thành phố Katsushika,ngoại ô đặc khu kinh tế Tokyo, nằm giáp ranh tỉnh ChiBa, Nhật Bản. Tết này là cái Tết thứ 2 anh ăn Tết Việt trên đất bạn. Anh tâm sự: “ Mặc dù Nhật Bản là quốc gia châu Á, nhưng ngày nay người Nhật không còn tập tục đón Tết âm lịch nữa, vì vậy, cảm nhận về ngày Tết âm lịch trên đất Nhật có lẽ chỉ chúng tôi mới có”. Cũng may, anh Hùng không đơn độc, cùng đợt đi với anh còn hơn chục người Việt Nam nữa, tất cả đều làm cùng một nhà máy và ở cùng một kí túc xá nên cũng đỡ buồn. Anh bảo “Tết đến nhớ quê nhà kinh khủng, mình là con trai không khóc, chứ mấy bạn gái đi cùng đợt, đêm giao thừa nhớ nhà, khóc sụt sùi”. Mặc dù xa quê nhưng Tết của chúng tôi ở đây cũng đầy đủ lắm, mứt tết, bánh chưng, dưa hành, giò lụa, nem cuốn, canh măng… một số đồ Tết được mua ở siêu thị, nhưng đa phần đều do chúng tôi tự gói, tự làm, không khí chuẩn bị nhộn nhịp ra phết. Ở đây khó kiếm nhất vẫn là cành đào, cành mai. Năm ngoái chúng tôi phải nhờ người nhà gửi hai cành đào theo đường hàng không sang đây để đón Tết đấy. Theo tâm sự của anh Hùng, nếu so với cái Tết ở quê nhà, Tết Việt trên đất Nhật của các anh khá đủ đầy về vật chất, chỉ thiếu cành đào quê hương, hơi ấm người thân và làn mưa xuân của miền nhiệt đới. Gia đình anh Thọ chị Huyền đã có đến 3 thế hệ sống, làm việc, học tập trên đất Cộng hòa Czech. Anh chị được cử sang Cộng hòa Czech du học từ những năm 80 của thế kỷ trước, rồi ở lại định cư trên đất bạn. Đến nay, hơn ba chục năm có lẻ sống ở đây, các con, rồi các cháu của anh chị đều được sinh ra, lớn lên trên đất này, tưởng chừng phong tục Tết Việt đã phôi phai, nhưng không, Tết vẫn luôn là niềm mong mỏi trông chờ của mọi thành viên mỗi độ xuân về. Chị Huyền tự hào khoe: “Gần chục năm nay, năm nào cũng vậy, để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, tôi và con dâu luôn tự tay ngâm gạo nếp, rửa lá dong để gói bánh chưng. Cả nhà tíu ta tíu tít, mấy đứa cháu háo hức quanh nồi bánh. Vui ghê!”. Dù xa quê hương, song chị vẫn giữ phong tục của cha ông, vẫn cúng lễ ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, chuẩn bị mâm ngũ quả, làm mâm cơm cúng tất niên. Đồ Tết chủ yếu mua ở các kiot bán hàng của người Việt, ở đây gần như có đủ các mặt hàng cần thiết, kể cả vàng mã, giò, chả, bánh kẹo Việt Nam, mứt Tết… Giá cả tất nhiên là đắt hơn ở Việt Nam một chút, nhưng có hề gì khi cả năm mới có ngày Tết. Giao thừa ở đây đến sớm hơn ở Việt Nam (do chênh lệch múi giờ), lúc đó, cả nhà cùng mở champagne chúc mừng năm mới, lì xì mừng tuổi và cùng nhau ăn tiệc. Kết thúc buổi tiệc, mọi người sẽ gọi điện chúc mừng một năm mới tốt lành tới tất cả bạn bè gần xa. Ngày hôm sau, mọi người cũng đi chúc Tết nhau, đi lễ Chùa như ở Việt Nam.
Chị Huyền cho biết, cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Czech khá đông, kiều bào đã lập ra Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech, phong trào hoạt động rất sôi nổi. Liberec, thành phố cổ nơi gia đình chị sinh sống, nằm cách thủ đô Praha khoảng 100 km, là nơi tập trung khá đông bà con cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc. Hiện nay, cũng có nhiều thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra tại Czech, mọi người sống chan hòa, cởi mở, giúp đỡ lẫn nhau và luôn hướng về quê hương. Hàng năm, cứ đến dịp xuân về, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Czech tổ chức cho kiều bào ta đón Tết rất chu đáo, vui vẻ. Nằm ngay sát Việt Nam, là đất nước Thái Lan, tuy rất gần Viêt Nam nhưng người Thái có ngày Tết cổ truyền riêng, đó là Tết Songkran (lễ té nước) thường được tổ chức từ ngày 13/4 đến 15/4 (dương lịch) hằng năm, tuy có một số tập tục gần giống với người Việt, nhưng cũng có nhiều nét không giống với Tết Việt. Như cha ông đã nói: Người Việt ở đâu, văn hóa Việt sẽ ở đó. Cộng đồng người Việt tại Thái rất đông và đã tạo ra một không gian văn hóa đậm chất Việt trên đất Thái. Anh Sơn, phóng viên của một cơ quan báo chí thường trú trên đất Thái Lan cho biết: Năm nay, anh không về Việt Nam đón Tết mà quyết định đưa vợ và các con sang ăn Tết Việt ngay trên đất Thái Lan. Anh bảo: “Bà con mình đón Tết Nguyên đán ở đây vui lắm, không khí nhộn nhịp tưng bừng không kém gì ở Việt Nam”. Truyền thống đón năm mới của người Việt Nam tại đây không có gì khác biệt so với người thân và bạn bè ở quê nhà… Tôi hỏi: Từ Thái Lan về Việt Nam chỉ mất hơn tiếng đồng hồ đi máy bay, sao anh không về Việt Nam đón Tết? Anh cười: “Đón Tết ở đâu không quan trọng, quan trọng là phải làm sao cho cái Tết thật sự vui và có ý nghĩa”. Anh cho biết đồng bào ta ở bên này, còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy mấy ngày sát Tết, anh và một số anh em đồng nghiệp dự định sẽ đi làm công tác hỗ trợ cho bà con đón Tết. Một điều đáng mừng đối với cộng đồng người Việt tại Thái Lan, ngày 24/1 vừa qua, Đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; đại diện chính quyền tỉnh Sakon Nakhon, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Khon Ken và bà con Việt kiều ở khắp mọi miền của Thái Lan, đại diện các hội hữu nghị Việt - Thái… đã tới dự Lễ khai trương trụ sở chính thức của Hội người Việt Nam toàn Thái Lan đặt tại tỉnh Sakon NaKhon. Hội sẽ là cầu nối giúp cộng đồng người Việt tại Thái Lan ngày càng phát triển phồn thịnh và gắn kết bền chặt hơn nữa với quê hương, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc Việt Nam - Thái Lan.
|
Wednesday, July 24, 2013
Tết của người Việt xa xứ: Nhớ quê hương và người thân
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment