Độc đáo nghệ thuật diễn xướng tại hội Gióng Xã Phù Đổng (Gia Lâm- Hà Nội) Hấp dẫn nghệ thuật diễn xướng Hiện Thánh Gióng được phụng thờ ở nhiều nơi, nhiều vùng tổ chức lễ hội tưởng niệm. Nhưng theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hội Gióng ở Sóc Sơn (nơi thánh Gióng bay về trời) và hội Gióng ở xã Phù Đổng (nơi sinh ra thánh Gióng) có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam. Hai hội Gióng tiêu biểu này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra còn một số hội Gióng khác trên địa bàn Hà Nội như: hội Gióng Bộ Đầu xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín; hội Gióng Chi Nam xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm; hội Gióng Xuân Đỉnh xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm…. Hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm- Hà Nội) được tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 âm lịch. Kiến trúc di tích Đền Gióng ở Phù Đổng mang đậm nghệ thuật dân gian, có liên quan chặt chẽ đến truyền thuyết Thánh Gióng, gồm đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban và chùa Kiến Sơ. Trải qua thời gian biến thiên, lễ hội Gióng ở xã Phù Đổng vẫn duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Cái độc đáo của hội Gióng là vẫn diễn ra tự nhiên theo truyền thống, không bị sai lệch, pha tạp bởi các yếu tố khác. Cộng đồng quyết định hình thức lễ hội. Vì thế, đến bây giờ, cộng đồng vẫn giữ vai trò chủ thể trong lễ hội Gióng. Sự hấp dẫn của hội Gióng Phù Đổng nằm ở nghệ thuật diễn xướng. Hội Gióng là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn, trong đó tiêu biểu nhất là diễn xướng dân gian, tái hiện lại trận đánh giặc Ân. Người được chọn đóng vai Ông Gióng phải là một người mẫu mực, con cháu thảo hiền và đó là niềm vinh dự lớn. Hội Gióng hàng năm thu hút hàng trăm ngàn người tham gia. Trung tâm của lễ hội là nghi thức tái hiện lại chiến công của Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân theo truyền thuyết. Để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian, Hội Gióng Phù Đổng có dàn vai diễn hết sức phong phú và độc đáo. Đó là các ông "Hiệu”- hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng; "Phù Giá”- đội quân chính quy ; các "Cô Tướng”- tượng trưng các đạo quân xâm lược; Phường "Ải Lao”, trong đó có "Ông Hổ”, đội quân tổng hợp; "Làng áo đỏ", đội quân trinh sát nhỏ tuổi; "Làng áo đen”, đội dân binh v.V… Cũng như các đạo cụ, y phục, mỗi một chương mục, mỗi một vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc. "Rước khám đường” là trinh sát giặc; "Rước nước” là để tôi luyện khí giới trước khi xuất quân; "Rước Đống Đàm” là đi đàm phán kêu gọi hòa bình… Hội Gióng- Bảo tàng văn hóa Việt Nam Từ những hương lễ, hội Gióng đã trở thành hội vùng và có tầm cỡ quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu, ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ hội Gióng còn chứa đựng cả hệ tư tưởng đạo lý và triết học sâu sắc, thể hiện sự hòa hợp trong quốc gia, khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam là đất nước được quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. PGS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, hình tượng Thánh Gióng sở dĩ có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân vì tính dân tộc được thể hiện rất rõ. Thánh Gióng sinh ra từ hoàn cảnh lịch sử, từ vị trí địa lý của cư dân bản địa như vậy nên Thánh Gióng được người dân tôn vinh là biểu tượng cho chống giặc ngoại xâm. Bởi người Việt Nam từ cổ chí kim luôn phải thực hiện hai nhiệm vụ cao cả nhất, đó là dựng nước và giữ nước. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, đồng thời là người tham gia phản biện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại - thì cái lõi ban đầu của hội Gióng là lễ hội nông nghiệp. Nhưng đến thời Lý - Trần, hội Gióng bắt đầu thay đổi, trở thành hội trận mang tính biểu tượng, tái hiện cuộc chiến chống ngoại xâm của cha ông ta, từ lúc chuẩn bị vũ khí, lực lượng, lương thảo cho đến khi kết thúc trận đánh. Sự phát triển đã giúp hội Gióng sống mãi, được chính người dân bồi đắp, tạo nên tính cộng đồng độc đáo. Điều đáng mừng là 3 năm qua- từ khi chính thức trở thành Di sản văn hóa của nhân loại, hội Gióng Phù Đổng vẫn thực sự là một lễ hội của cộng đồng và có sức lan tỏa ngày càng rộng lớn. M.Q |
Wednesday, July 24, 2013
Hội Gióng - Bảo tàng văn hóa tín ngưỡng của người Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment