Đòi hỏi từ thực tiễn
Bất cập trong hệ thống bộ máy tổ chức của Hội NCT Việt Nam đang cản trở các hoạt động của hội. Phó Trưởng ban Thường trực BĐD Hội NCT TP Hà Nội Phạm Văn Ngọc cho biết, sau nhiều năm tích cực tuyên truyền, vận động thành lập quỹ "Chăm sóc và phát huy vai trò NCT", Hà Nội vẫn còn gần 25% số xã, phường, thị trấn chưa xây dựng được quỹ này. Nguyên nhân chính là do thành phố vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thành lập quỹ, khiến nhiều cơ sở không biết làm thế nào vì không có chỉ đạo. BĐD Hội NCT thành phố theo chức năng đã đề xuất, tham mưu nhiều lần, nhưng không thể làm gì hơn. Không có quỹ, công tác vận động NCT rất khó thực hiện. So với các cơ sở đã có quỹ, hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò của NCT như tổ chức tham quan, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc, rèn luyện sức khỏe, vận động khuyến học, giữ gìn an ninh trật tự… ở các cơ sở chưa thành lập quỹ đều trầm lắng, không hiệu quả bằng.
Theo ông Phạm Văn Ngọc, nếu là tổ chức hội, Ban Chấp hành Hội NCT cấp thành phố sẽ ra nghị quyết về việc thành lập quỹ và thực hiện vai trò giám sát, đôn đốc cơ sở thực hiện chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Từ đó, công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT cũng tốt hơn.
18 năm qua, Hội NCT Việt Nam hoạt động theo mô hình hai cấp TƯ và cơ sở. TƯ Hội chỉ đạo bằng văn bản, thông qua Báo Người cao tuổi. Cơ sở căn cứ văn bản chỉ đạo và hướng dẫn trên Báo Người cao tuổi để triển khai thực hiện. Cơ chế này thiếu năng động, thiếu dân chủ, không đáp ứng nhu cầu hoạt động của NCT. Năm 1999, Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) ban hành công văn hướng dẫn thành lập BĐD Hội NCT cấp tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã… Nhưng thành viên BĐD Hội NCT thành phố do chính quyền chỉ định, trong đó có cả người không cao tuổi, không trực tiếp sinh hoạt hội. Đây là những cán bộ kiêm nhiệm, không có nhiều điều kiện đóng góp cho công tác hội, chưa kể do tuổi còn trẻ, nhiều người chưa hiểu biết đầy đủ về NCT nên gặp khó khăn trong chỉ đạo, định hướng, giám sát công tác hội. BĐD Hội NCT cấp tỉnh và cấp huyện lại phụ thuộc vào Ủy ban MTTQ (nhiều nơi bị coi là một ban của MTTQ) nên hoạt động không hiệu quả.
Nguyện vọng tha thiết
Hoàn thiện tổ chức Hội NCT ở cả bốn cấp là nguyện vọng chung của NCT hiện nay. Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Cù Thị Hậu khẳng định, không có tổ chức hội ở hai cấp tỉnh, huyện gây nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của TƯ Hội. BĐD không rõ ràng về pháp lý, không thuộc văn bản pháp quy nào của Nhà nước điều chỉnh, không do cấp dưới bầu ra, không có quyền ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nên chưa bảo đảm tính dân chủ, không đủ tư cách đại diện để giám sát, đôn đốc công tác hội. Tại nhiều địa phương, Hội NCT không được công nhận là hội có tính chất đặc thù; mối quan hệ giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đối với BĐD có nơi còn thiếu bình đẳng. Do vậy, vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp với các sở, ban, ngành về công tác NCT của BĐD Hội NCT còn hạn chế.
Thực tế đã cho thấy, sau hơn hai năm chuyển đổi từ BĐD thành Hội NCT tại 13 tỉnh, thành phố và 116 huyện, thị xã, kết quả cho thấy, số lượng nhân sự, phương tiện, trụ sở, kinh phí tuy không thay đổi; nhưng do có vị trí pháp lý rõ ràng, bảo đảm tính dân chủ đại diện, vai trò tham mưu, giám sát của thường trực hội đã chủ động, hiệu quả hơn nhiều. Có nghị quyết của ban chấp hành hội, quy chế làm việc, chương trình công tác, nên công tác NCT được triển khai thuận lợi, thông suốt. Phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng", các hoạt động VHTT, chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò NCT ở các địa phương chuyển biến rõ nét. Công tác phối hợp, tham mưu của Hội NCT trong triển khai thực hiện các chương trình công tác của địa phương đã tích cực hơn hẳn.
Rõ ràng, yêu cầu hoàn chỉnh bộ máy Hội NCT theo mô hình ở bốn cấp nhằm nâng cao chất lượng công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành và giám sát các chương trình hoạt động của Hội NCT là nhu cầu cấp thiết đang đặt ra, cần có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc.
|
No comments:
Post a Comment